Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hương Thủy đến năm 2025
11/03/2024 08:42
Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hương Thủy đến năm 2025 và những năm tiếp theo
Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hương Thủy đến năm 2025

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân xã Hương Thủy ngày càng được nâng cao; theo đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều với thành phần phức tạp, tạo ra áp lực cho môi trường sống của người dân.

Thực trạng hiện nay xã vẫn chưa có quy hoạch các điểm tập kết chất thải sinh hoạt trên địa bàn nên vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi trên các trục đường, trong khu dân cư, các điểm công cộng… dẫn đến ô nhiễm môi trường tự nhiên, môi trường cảnh quan; việc thu gom, xử lý rác thải tại một số hộ dân còn chưa đúng quy định như đốt, chôn lấp… gây ảnh hưởng trưc tiếp đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước v.v…

Từ thực trạng nêu trên, việc lập Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hương Thủy đến năm 2025 và những năm tiếp theo là điều rất cần thiết và cấp bách.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Căn cứ Luật bảo vệ môi trường năm 2020;

- Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ quy định chi tiết, một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

- Căn cứ Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Căn cứ Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Phụ lục 01, Phục lục 02 kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;

- Căn cứ Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2025;

- Căn cứ Kế hoạch thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Hương Khê giai đoạn 2023-2025;

 - Các văn bản pháp lý có liên quan khác.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Áp dụng đối với hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Hương Thủy.

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã thực hiện đúng theo nội dung của Đề án này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Phần thứ nhất

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

I. QUAN ĐIỂM:

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn xã nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, đảm bảo sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

- Công tác quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm chung của cấp ủy chính quyền và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong bảo vệ môi trường.

- Tất cả các hộ dân trên địa bàn (9/9 thôn) đều phải tham gia theo Kế hoạch, không được chôn lấp hay đốt hoặc vứt rác ra môi trường khi đã có Khu xử lý rác tập trung hoạt động; phải thực hiện đảm bảo theo nguyên tắc “người sử dụng dịch vụ phải trả giá dịch vụ, người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền phạt”.

II. MỤC TIÊU:

Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo triệt để phù hợp với điều kiện của địa phương; hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, hướng tới xây dựng xã Hương Thủy “sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh”.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN; NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I.                  PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN.

1. Thu gom, phân loại rác thải:

Người dân thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải tại hộ.

Đối với rác thải hữu cơ dễ phân hủy như: rau củ quả thải bỏ, đồ ăn dư thừa, hư hỏng, bã trà, bã cà phê … từ nhà bếp (hãy vắt kiệt nước để giảm khối lượng, mùi hôi

và côn trùng phát sinh) và các loại cây, cỏ, hoa lá, xác động vật nhỏ từ sân vườn, các loại khác,…thì giữ lại để ủ thành phân bón cho cây trồng.

Đối với rác thải khó phân hủy (gồm rác tái chế, tái sử dụng và loại rác còn lại); thực hiện thu gom bán phế liệu đối với rác tái chế, tái sử dụng; loại rác còn lại thì hộ dân

thu gom, buộc kín trong túi nilon và để ở trước cổng nhà (ở nơi hợp vệ sinh, thuận lợi cho việc thu gom).

Việc phân loại rác đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu chi phí vận chuyển rác đưa đi xử lý, đồng thời tận dụng được tối đa lợi ích từ rác.

2. Vận chuyển rác:

Mỗi đơn vị thôn thành lập 01 Đội thu gom rác thải sinh hoạt (Tổ chức họp thôn và thành lập Đội thu gom rác).

Rác sau khi được người dân thu gom, phân loại và buộc kín trong túi nilon để trước cổng nhà; Đội thu gom rác thải của thôn sẽ tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ bằng xe kéo hoặc xe đẩy (do Đội thu gom tự túc phương tiện).

Tất cả rác thải sinh hoạt trên địa bàn thôn sau khi được thu gom sẽ tập trung ở một vị trí thích hợp trên địa bàn thôn (thuận lợi cho quá trình vận chuyển và không ảnh hưởng môi trường khu dân cư đảm bảo mỹ quan, hợp vệ sinh môi trường).

Mỗi tháng 3 lần, thu vào ngày 9; 19; 29 hàng tháng xe chở rác của Công ty môi trường sẽ lấy rác từ các thùng rác chuyên dụng đặt tại các thôn để vận chuyển đưa đi xử lý tại Khu xử lý rác tập trung của huyện. Công ty môi trường do UBND xã lựa chọn và ký kết hợp đồng vận chuyển theo quy định.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP:

1.     Công tác tuyên truyền:

-  Nêu cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu công tác thu gom, phân loại rác thải bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi hộ gia đình góp phần làm cho môi trường được sạch hơn; các hộ gia đình phải đóng phí và bỏ rác đúng nơi quy định.

-  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thường xuyên hướng dẫn về công tác phân loại rác tại nguồn, để rác đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện và người thu gom.

-  Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (phát thanh, băng rôn,…..) để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân từ đó nâng tỷ lệ các hộ phân loại rác.

2.     Công tác quản lý chất thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường:

-  Căn cứ Đề án này, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo vệ sinh môi trường và quản lý chất thải sinh hoạt để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt. Đưa nội dung vệ sinh môi trường và phân loại chất thải sinh hoạt vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng của tổ chức đảng, đoàn thể và tổ chức họp giao ban để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, có đánh giá, kiểm điểm phê bình nếu có.

-  Tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, không chấp hành giá dịch vụ thu, gom vận chuyển rác thải trên địa bàn.

-  Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn. Thúc đẩy việc phân loại, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

-  Các thôn không được để xảy ra các trường hợp đốt rác trong khu dân cư, gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

-  Phát động phong trào ra quân làm sạch môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh, phát quang đường làng ngõ xóm. Tổ chức cho các thôn xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường với sự tham gia của tất cả các hộ dân, cơ sở cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đưa công tác bảo vệ môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

-  Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn về đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và thu gom rác thải; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ môi trường.

- Tăng cường vai trò giám sát cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có việc giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của đơn vị thực hiện hợp đồng.

3. Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt

Tổ chức phân loại, thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn xã vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải huyện để xử lý, thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ tháng 03/2024.

Phần thứ ba

KINH PHÍ THỰC HIỆN, MỨC XỬ PHẠT

I. KINH PHÍ:

1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ các nguồn: ngân sách địa phương (ngân sách cấp huyện) theo phân cấp hiện hành hoặc huy động từ các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.

2. Kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn xã Hương Thủy thực hiện theo sơ đồ sau:

Rác thải sinh hoạt được phân loại tại hộ gia đình

(phân loại theo hướng dẫn tại Phần II. mục I. điểm 1 của Đề án)

Đội thu gom rác thải của thôn thực hiện thu gom rác tận hộ và thu phí từ hộ gia đình

Phí vận chuyển rác từ xã đến Nhà máy xử lý rác thải huyện

Phí xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác thải huyện

Thực hiện theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh

Ngân sách xã

Ngân sách huyện

3. Mức thu phí thu gom rác:

Thực hiện theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

* Mức phí đối với hộ gia đình không kinh doanh:

Mỗi khấu thu 5.000đ/khấu, nhưng mỗi hộ không quá 30.000đ/hộ.

* Hộ gia đình kinh doanh buôn bán:

- Có khối lượng rác ≤ 0,5m3/tháng (210kg/tháng) tối đa: 21.000 đồng/hộ/tháng

- Có khối lượng rác từ trên 0,5-1m3/tháng (từ trên 210-420kg/tháng) tối đa: 63.000 đồng/hộ/tháng.

- Có khối lượng rác >1m3/tháng (trên 420kg/tháng) tối đa: 168.000 đồng/m3(tương đương 400.000 đồng/tấn).

 (Hệ số quy đổi m3 sang tấn: 01m3 rác tương đương 0,42 tấn)

II.               MỨC XỬ PHẠT

Áp dụng theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trong đó:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định (Điều 26. Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường).

2. Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển. (Điều 25. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trườn

3. Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. (Điều 41. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp)

Đối với hành vi tự ý đốt rác thải sinh hoạt trong khu vực dân cư trên địa bàn xã cũng áp dụng hình thức xử phát tương tự.

 

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phó chủ tịch UBND xã phụ trách môi trường: Chỉ đạo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc cán bộ phụ trách, các đơn vị thôn và Đội thu gom rác của thôn tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đặt ra.

2. Công chức Địa chính - môi trường:

Tham mưu giúp UBND xã hướng dẫn, đôn đốc đơn vị thu gom rác thực hiện theo nội dung đã ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển.

Tham mưu thành lập Tổ kiểm tra, thường xuyên giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định và các vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Hướng dẫn các Đội thu gom rác của thôn thực hiện việc thu tiền hộ dân và thu gom rác theo đúng quy định.

3. Công chức Tài chính – Kế toán:

Tham mưu cho UBND xã trong việc ký hợp đồng và phân bổ ngân sách hàng năm để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

4.     Công chức Văn hóa - Xã hội: Tham mưu công tác tuyên truyền về vệ sinh môi

trường, thu gom xử lý rác thải và đăng tải trên các trang fanpage mạng xã hội, cổng thông tin điện tử xã về các hoạt động vệ sinh môi trường, các mô hình phân loại rác tại nhà hiệu quả.

5. Công an xã:

 Phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đổ chất thải sinh hoạt không đúng nơi quy định và các vi phạm trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

6. Hiệu trưởng các Nhà trường:

Xây dựng chương trình giáo dục về môi trường với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học. Phân công nhiệm vụ cho giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường và phân loại rác tại gia đình.

7. Thôn trưởng các đơn vị:

Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thôn; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành các quy định về luật bảo vệ môi trường năm 2020.

8. Đội thu gom rác tại các thôn:

Thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn được giao đến vị trí tập kết theo quy định, không để tồn đọng rác tại các hộ gây ô nhiễm môi trường.

9. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các ban ngành đoàn thể:

Phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phân loại rác tại nguồn; xây dựng triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần, phụ trách các tuyến đường xanh - sạch- sáng không có rác thải.

Quán triệt chỉ đạo các Hội viên, Đoàn viên, Đội viên của mình gương mẫu làm nòng cốt trong hoạt động tổ chức tuyên truyền và tham gia các đợt phát động ra quân làm vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.

10. Trách nhiệm của hộ gia đình, tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải sinh hoạt.

Chấp hành nghiêm túc quy định về thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình; tập kết rác đúng nơi quy định, không gây mất vệ sinh công cộng, đóng phí thu gom đầy đủ; khi phát hiện những vi phạm về bảo vệ môi trường cần thông báo cho UBND xã để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hương Thủy đến năm 2025 và những năm tiếp theo./.

Tác giả: Đức Thiết - Nguồn: UBND xã