Thực hiện Dự án kỹ thuật thâm canh và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cây bưởi Phúc Trạch!
15/09/2022 09:12
Trong 3 ngày, từ 11 đến 13 tháng 9 năm 2022, tại xã Hương Thủy Hội nông dân cùng UBND xã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Trung ương và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tổ chức tọa đàm tại hiện trường thực hiện Dự án về kỹ thuật thâm canh và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp, chăm sóc sau khi thu hoạch trên cây bưởi Phúc Trạch.
Thực hiện Dự án kỹ thuật thâm canh và quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cây bưởi Phúc Trạch!

Đến dự và tư vấn cho bà con nông dân có các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật Trung ương: Chủ nhiệm Dự án TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật.  Cùng nhóm thực hiện: TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Viện trưởng; Ths Nguyễn Nam Dương; Ths. Phạm Thị Dung và KS. Nguyễn Tiến Bình; Các đồng chí cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện, đại diện lãnh đạo UBND, Hội Nông dân xã cùng các hộ nông dân trồng bưởi tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê.

Trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp nên trên cây Bưởi Phúc Trạch xuất hiện nhiều loại sâu bệnh. Do đó, nhu cầu về tư vấn kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của người dân trồng bưởi là hết sức cần thiết nhằm mang lại sản lượng, chất lượng quả bưởi tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân đã đặt nhiều câu hỏi trực tiếp đến các chuyên gia về kỹ thuật thâm canh cây bưởi và các loại bệnh như: Bệnh thối rễ, bệnh chảy gôm bệnh vàng lá, Sâu đục quả, sâu đục cành và sâu vẻ bùa trên cây cam, bưởi; Biện pháp chăm sóc cây ăn quả vào mùa nắng nóng và giải pháp tăng độ ngọt cho quả. Hay kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho cây bưởi…

Các câu hỏi của nông dân đều được các chuyên gia giải đáp, hướng dẫn cụ thể cách điều trị, thuốc đặc trị cho từng loại sâu, bệnh.  Đồng thời thực nghiệm trực tiếp tại hiện trường trên cây Bưởi để bà con nông dân nắm vững. Riêng về vấn đề chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, trước hết địa phương cần hướng dẫn người dân tập trung chống hạn thật tốt và bên cạnh áp dụng biện pháp bao quả thì cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhất là hàm lượng Kaly để tăng độ ngọt cho quả về cuối vụ, tạo sản phẩm chất lượng và an toàn cung ứng cho thị trường.

Qua hoạt động tọa đàm này sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân về cách phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, bền vững trên cây trồng./.

Tác giả: Đình Quyết - Nguồn: Hội Nông dân xã Hương Thủy