155 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN HƯƠNG KHÊ, NHỮNG DẤU MỐC ĐÁNG NHỚ (1867 - 2022)
05/11/2022 11:08
155 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN HƯƠNG KHÊ, NHỮNG DẤU MỐC ĐÁNG NHỚ (1867 - 2022)
155 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN HƯƠNG KHÊ, NHỮNG DẤU MỐC ĐÁNG NHỚ (1867 - 2022)

 1. Giai đoạn từ khi hình thành đến khi có Đảng (1867 - 1930).

Vùng đất Hương Khê xa xưa thuộc bộ Việt Thường. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, vùng đất này có nhiều tên gọi khác nhau như: Nam Lăng, Đỗ Gia, Thổ Hoàng, phủ Ngọc Ma, phủ Trấn Định, châu Quy Hợp, rồi trấn Quy Hợp. Hương Khê là hậu cứ của cuộc kháng chiến chống quân Minh của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng, Lê Lợi, là nơi tham gia tích cực công cuộc phạt giặc Thanh dưới ngọn cờ của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, là một địa bàn quan trọng để lực lượng quân đội Tây Sơn thực hiện đoàn kết Việt - Lào chống ngoại xâm.

Tháng 11 năm 1867, năm Tự Đức thứ 21, huyện Hương Khê được thành lập, bao gồm 5 tổng (Quy Hợp, Chu Lễ, Phương Điền, Phúc Lộc, Hương Khê) được tách ra từ huyện Hương Sơn. Đây là dấu mốc quan trọng, là một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử phát triển của Huyện Khê, Hương Khê với vị trí là một đơn vị hành chính cấp huyện. Chỉ 17 năm sau khi được tách thành đơn vị hành chính cấp huyện, Hương Khê đã trở thành một trung tâm của Phong trào Cần vương chống Pháp kéo dài 10 năm. Nhân dân Hương Khê đã tham gia xây dựng Thành Sơn Phòng thành căn cứ để vị vua yêu nước Hàm Nghi lãnh đạo phong trào đấu tranh (tại Phú Gia ngày nay). Căn cứ địa Vụ Quang với khởi nghĩa Phan Đình Phùng là cuộc khởi nghĩa vang dội trong cả nước với những chiến công oanh liệt của nghĩa quân Phan Đình Phùng - Cao Thắng ở Bãi Ma (Hà Linh), Tri Bản - Chợ Nổ (Hòa Hải), đặc biệt là chiến thắng Vũ Quang tháng 10 năm 1894. Hương Khê trở thành hậu phương trực tiếp, tại chỗ cung cấp nhân lực, vật lực, che chở, bảo vệ cho nghĩa quân, đồng thời trở thành chiến trường ác liệt trước nhiều cuộc tiến công của quân Pháp vào vào khu căn cứ của Nghĩa quân, trong những cuộc tấn công đó nhân dân Hương Khê phải chịu nhiều hy sinh, mất mát.

Sau Khởi Nghĩa Phan Đình Phùng bị lắng xuống cho đến trước khi Đảng bộ ra đời, nhiều phong trào đấu trang nhỏ lẽ diễn ra, nhiều phong trào đấu tranh có ảnh hưởng của cách mạng Tháng 10 Nga nhưng còn tự phát, cải lương, dễ bị đàn áp, tan vỡ.

2. Giai đoạn từ khi có Đảng đến khi giành được chính quyền (1930 - 1945).

Tháng 01/1930, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Linh được thành lập. Đây là mốc son mở đầu, đánh dấu sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản ở Hương Khê. Đến giữa năm 1930, Hương Khê đã có 10 chi bộ và gần 100 đảng viên. Ngày 20/11/1930, tại xã Trúc Lâm (Hà Linh), Đảng bộ Hương Khê đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ khoá đầu tiên được Đại hội bầu ra có các đồng chí Mai Phì (người Hương Long), Phạm Quang Nậm (Hương Thuỷ), Trần Suất (Hương Thanh- Hà Linh), Mai Minh (Hương Long), Nguyễn Quốc Nhiếp (Hương Hà- Hà Linh), Thái Đình Hàn (Hương Thọ), do đồng chí Mai Phì làm Bí thư.

Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử Đảng bộ Hương Khê, cũng là bước ngoặt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của phong trào cách mạng trên phạm vi toàn huyện. Từ đây phong trào cách mạng Hương Khê đã có một cơ quan lãnh đạo thống nhất để vạch ra đường lối, chủ trương và tổ chức cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến của Nhân dân toàn huyện, quy tụ các phong trào, các lực lượng về một mối dưới ngọn cờ của Đảng.

Chủ trương do Đại hội đề ra phù hợp với thực tế địa phương, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, nên nhanh chóng đi vào thực tế, được cán bộ, đảng viên và quần chúng quán triệt, ra sức thực hiện. Các đồng chí trong Huyện uỷ đều là những cán bộ, đảng viên trung kiên, hăng hái hoạt động chỉ đạo phong trào. Thêm nhiều quần chúng ưu tú tình nguyện nhận nhiệm vụ do các chi bộ giao cho và qua thử thách được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Hệ thống tổ chức của Đảng bộ được củng cố, lớn mạnh, trở thành trung tâm chỉ huy các cuộc mít tinh, biểu tình đang sục sôi khắp nơi trong huyện, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Rôộc Cồn ngày 20/4/1931 và nhiều phong trào bài Pháp, …

Sau 15 năm thành lập Đảng bộ Hương Khê, đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về mọi mặt, nhất là xây dựng lực lượng, mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt nhưng các cuộc đấu tranh xây dựng, khôi phục phong trào, xây dựng lực lượng cách mạng vẫn diễn ra rầm rộ, tạo điều kiện cho Ủy ban Khởi nghĩa lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở huyện vào ngày 19/8/1945, lập ra Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Hương Khê - đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển huyện Hương Khê. Thành công của Cách mạng tháng Tám ở Hương Khê là sự kiện trọng đại, bước ngoặt lịch sử của Đảng bộ và quân dân Hương Khê.

3. Giai đoạn tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ cứu nước giành độc lập thống nhất Tổ quốc (1945 - 1975).

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hương Khê được chọn là An toàn khu của Ủy ban Kháng chiến hành chính Trung Bộ và Liên khu 4. Tại đây, nhiều cơ quan, cơ xưởng của các tỉnh Bình - Trị - Thiên đóng trú để tiếp tục hoạt động như: Xưởng bào chế hóa chất, Trường Kỹ nghệ thực hành, Trường Trung học Hương Khê Bình Trị Thiên và nhiều công binh xưởng được thành lập trên địa bàn huyện để cung cấp sức người sức của cho các chiến trường, nhất là Bình - Trị - Thiên. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến…”, Đảng bộ và nhân dân Hương Khê đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và dân công hỏa tuyến ra mặt trận; đóng góp hàng trăm ngàn ngày công phục vụ tiền tuyến, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, Hương Khê cũng là địa bàn bị đánh phá ác liệt, nhất là những năm 1948, 1949, 1950.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Hương Khê vừa là hậu phương, vừa là tuyến lửa, được chọn làm nơi đặt Chỉ huy Sở tiền phương Đoàn 559. Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”... quân và dân Hương Khê vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường chiến đấu để bảo vệ các trọng điểm giao thông quan trọng như: Bến phà Địa Lợi, ngầm La Khê, ngầm Lộc Yên, cầu Khe Ác,… Phối hợp với các lực lượng phòng không bắn rơi 46 máy bay Mỹ tại địa bàn, bắt sống 11 giặc lái. Hình ảnh “O du kích nhỏ giương cao súng…”, mãi mãi là niềm tự hào của quân dân Hương Khê và của cả dân tộc Việt Nam trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hương Khê đã có hơn 6.500 người tham gia quân đội, 9.786 người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; 1.780 liệt sỹ, trên 1.746 thương, bệnh binh và nhiều nạn nhân chất độc da cam. Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc đó, nhân dân và LLVT huyện Hương Khê cùng 16 xã và 4 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 125 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

4. Đảng bộ Hương Khê lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 10 năm đầu tiên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 - 1985)

Một thành tựu quan trọng của Hương Khê là vẫn tiếp tục thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đóng góp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Trong những năm 1976 - 1977 phong trào đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong huyện vẫn duy trì và lên cao. Hàng ngàn cựu chiến binh lại tái ngũ, hàng ngàn thanh niên Hương Khê lại tiếp tục lên đường tòng quân khi chiến tranh biên giới xảy ra. Số lượng học sinh đến trường, đội ngũ cán bộ cơ quan tiếp tục tăng.

Thực hiện chủ trương chung của Đảng về tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mở rộng diện tích và quy mô hộ của hợp tác xã, sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (5/1977), việc di dân từ vùng ven sông, ngoài đồng lên vùng đồi núi được đẩy mạnh. Nhân dân các xã ven sông Ngàn Sâu như Hương Phố, Hương Thịnh, Hương Giang, Hương Thuỷ, Hương Tân, Hương Hà, Hương Thanh, Hương Thu, Hương Thái,... là trọng điểm của cuộc di dời này. Trong năm 1977, 1978, không khí di dân rất mạnh mẽ với khẩu hiệu “thượng sơn hạ hương” diễn ra một cách rầm rộ. Các xã không thuộc diện di dời đã cử lao động đến trợ giúp các xã phải di dời. Cuộc di chuyển dân cư đã giải phóng được hàng trăm hécta đất vườn, đất ở thành ruộng đồng sản xuất hai, ba vụ. Dân cư được quy tụ trên những vùng đồi cao, thoát cảnh lũ lụt hàng năm. Nhiều khu dân cư mới được hình thành, càng về sau càng khang trang, có nhiều nơi trở nên trù phú. 

Đây cũng là giai đoạn nhiều hồ, đập lớn được nâng cấp, xây dựng; toàn huyện đã đào đắp được gần 2 triệu m3, với 2,7 triệu ngày công nâng cấp, xây dựng hàng chục hồ đập lớn: Đá Bạc, Hương Bình; đập Khe Con, Hương Giang; đập Cây Trồi, Phúc Trạch; đập Động Dài, Gia Phố; đập Họ, Hương Long… Do được tăng thêm diện tích tưới tiêu, tăng diện tích canh tác sau khi di dân lên đồi, sản lượng, năng suất lương thực ở nhiều xã và cả huyện tăng lên.

Năm 1985 Hội đồng bộ trưởng ban hành quyết định thành lập thị trấn Huyện Hương Khê, trở thành đơn vị hành chính, trung tâm huyện lỵ.

Nhìn chung, sau 10 năm đầu cùng cả nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa (1975 - 1985), Đảng bộ Hương Khê đã lãnh đạo Nhân dân phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, đạt được một số thành tựu quan trọng

5. Giai đoạn lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới quê hương (1986 - 2022).

Sau hơn 35 năm đổi mới (1986 - 2022), cùng với tiến trình lịch sử dân tộc, sử phát triển của cả nước, tỉnh Hà Tĩnh, Hương Khê đã vượt khó khăn, gian khổ để vươn lên và đạt được những thành tựu nổi bật, KT-XH tiếp tục phát triển ổn định.

Trong bối cảnh chuyển mình, đổi mới của đất nước quyết vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, trong không khí toàn Đảng chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VI, từ ngày 6 đến ngày 9/9/1986, tại Thị trấn Hương Khê, Đảng bộ huyện Hương Khê tổ chức Đại hội lần thứ XXII, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và định hướng cho qúa trình phát triển kinh tế xã hội sau này.

Giai đoạn này ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề và triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; kinh tế vườn, trang trại; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nông thôn mới…đến năm 2021, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sông nhân dân được cải thiện.

Kinh tế có bước phát triển nhanh, đời sống nhân dân có sự thay đổi rõ rệt: Từ huyện thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay Hương Khê đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển cơ bản toàn diện, bền vững. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm trên 11%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 49,22 triệu đồng/người/năm, tăng 21,32 triệu đồng so với năm 2015.

Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển, từ nền sản xuất tự cung, tự cấp, chuyển sang nông nghiệp hàng hoá, với nhiều vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế cao, như: Bưởi Phúc Trạch diện tích 2.738 ha, cho thu nhập gần 600 tỷ đồng/năm; cam các loại diện tích 2.057 ha, cho thu nhập gần 400 tỷ đồng/năm. Đến nay, toàn huyện có 3.409 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm, có 49 mô hình sản xuất áp dụng chương trình VietGAP; tổng đàn vật nuôi được duy trì và phát triển ổn định (đàn trâu, bò 34.516 con; lợn 49.900 con; gia cầm 1,3 triệu con). Có 416 doanh nghiệp, 85 Hợp tác xã, 189 Tổ hợp tác; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 72,4%.

Công tác quy hoạch được chú trọng; cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường học, trạm y tế, hồ đập thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhiều công trình trọng điểm, như: Công trình Thuỷ lợi sông Tiêm, Khe Táy, Họ Võ, Đá Bạc, Đá Hàn, Hồ Bình Sơn, Cầu Địa Lợi, cầu Chợ Hôm, nâng cấp mở rộng tuyến đường nối Thị trấn Hương Khê với Thành phố Hà Tĩnh, đường Hà Linh-Phúc Trạch, Chợ huyện, Nhà máy nước đầu nguồn sông Tiêm và hệ thống cấp nước sạch cho Nhân dân Thị trấn và 08 xã vùng phụ cận; khu xử lý chất thải rắn tập trung của huyện; công viên cây xanh kết hợp quảng trường Trung tâm huyện; công trình Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho Nhân dân xã Điền Mỹ; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 (đoạn đường Hồ Chí Minh vào Đồn 575, Bản Giàng, đoạn Lộc Yên, đường Hồ Chí Minh); các tuyến kè chống sạt lở bờ sông Tiêm, sông Ngàn Sâu… Hàng năm, triển khai chiến dịch làm giao thông nông thôn, toàn huyện đã làm được hằng trăm km đường bê tông, kênh mương nội đồng.

Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 92,4% gia đình văn hóa; 41,5% gia đình thể thao; 95% thôn, tổ dân phố; 68,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí văn hóa; 18/21 xã, thị trấn đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Hệ thống giáo dục ngày càng hoàn chỉnh, quy mô trường, lớp học được hoàn thiện, đến nay có 34/55 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,8%; tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Công tác khám và điều trị bệnh được quan tâm, đến nay có 21 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Làm tốt công tác an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,96%).

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến; huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, huyện tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 107/201 khu dân cư mẫu đạt chuẩn, 1.348 vườn mẫu đạt chuẩn. Có 02/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn; phấn đấu cuối năm 2022 có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Hà Linh, Điền Mỹ, Hương Lâm, Hương Liên. Có 23 sản phẩm OCOP đạt chuẩn hạng 3 sao.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chú trọng, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh và huyện kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các Nghị quyết, chỉ thị quan trọng được các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp báo cáo tại các tổ chức cơ sở Đảng. Sau học tập kịp thời xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Chỉ đạo tập trung củng cố tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW  ngày 25/10/2017, tinh gọn tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp xã; từ 2017 đến nay giảm 01 xã, 30 thôn, tổ dân phố. Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết đã tiết kiệm ngân sách Nhà nước chi cho lương và các khoản phụ cấp, ước tính hơn 18 tỷ đồng/năm. Công tác cán bộ được chú trọng; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ được quan tâm. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, hằng năm, ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng quần chúng, phát triển đảng viên đến tận chi bộ. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tổ chức các mô hình sinh hoạt điểm tại một số chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn, kịp thời đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ đảng viên; thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng.

          Kịp thời triển khai thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát và làm việc chuyên đề với các địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Sau kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời ban hành thông báo kết luận kiểm tra, giám sát, làm rõ những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm. Định kỳ, Thường trực Huyện ủy làm việc chuyên đề với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức và chỉ đạo tổ chức tốt đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân theo Quyết định 657-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ngày càng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hướng về cơ sở.

Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từng bước được đổi mới, tăng cường.

6. Định hướng phát triển huyện Hương Khê giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Kế thừa truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo vốn có, Hương Khê vững tin sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa, góp phần vào phát triển chung của đất nước, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân huyện nhà. Định hướng kim chỉ nam cho chặng đường sắp tới, Hương Khê luôn quán triệt sâu sắc và nhất quán quan điểm của Đảng "Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên". Nỗ lực thực hiện có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, với mục tiêu:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Hàng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở đảng được xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; không có tổ chức cơ sở đảng xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ. Không còn chi bộ sinh hoạt ghép. Hàng năm, có trên 87% đảng viên được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Hàng năm, Đảng bộ huyện được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, sáp nhập thôn, tổ dân phố đảm bảo quy định.

Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân trên 11%/năm; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67 triệu đồng/người/năm; Mỗi năm thành lập mới 15 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã. Tỷ lệ gia đình văn hóa 95%, gia đình thể thao 40%; tỷ lệ người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên 40%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa 97%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 80%; Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%; 100% xã, thị trấn giữ vững tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế; 43 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 06 trường đạt mức độ 2.

Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; 5-6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025 có 160 khu dân cư mẫu đạt chuẩn; 1.665 vườn mẫu; có ít nhất 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có 20% sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 5% sản phẩm đạt chuẩn 5 sao; Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; Triển khai 100 % dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Củng cố và phát huy có hiệu quả các mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện, cụm ATLC  hoạt động hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.           

155 năm hình thành và phát triển của huyện Hương Khê là lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường, gian khổ và hết sức vẻ vang của Nhân dân. Trong chặng đường 155 năm đó, mặc dù có thời điểm hưng, suy khác nhau, phải chịu những tổn thất hy sinh, có lúc sai lầm vấp váp, song cơ bản là chặng đường phát triển liên tục với nhiều bước ngoặt mang tính đột phá, có nhiều dấu ấn. Trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ, Nhân dân Hương Khê luôn tưởng nhớ công sức, xương máu, mồ hôi, trí tuệ của bao thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đã anh dũng ngã xuống, đã kế tiếp nhau xây đắp nên sự nghiệp hôm nay. Những công sức và kinh nghiệm của các thế hệ đã qua vẫn đang là nguồn sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn và cần thiết đối với Đảng bộ, Nhân dân Hương Khê trong thời kỳ mới. Phát huy truyền thống tốt đẹp và niềm tự hào cao quý của quê hương Anh hùng, dưới sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, Tỉnh, Đảng bộ, Nhân dân Hương Khê nhất định sẽ lãnh đạo Nhân dân hoàn thành thắng lợi những mục tiêu kinh tế, xã hội mà Đại hội lần thứ XXX của Đảng bộ đã đề ra, đưa Hương Khê trở thành huyện nông thôn mới, giàu về kinh tế, đẹp về cảnh quan, bền vững về văn hoá - xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nguồn: http://huongkhe.hatinh.gov.vn/